Thứ Tư, 22 tháng 4, 2015

Moyes phải ra đi sau khi thể hiện phong cách cầm quân bạc nhược trong chưa đầy một mùa giải dẫn dắt “Quỷ Đỏ”. Tầm vóc của ông quá bé nhỏ so với truyền thống vĩ đại của Man Utd và cái bóng khổng lồ của người tiền nhiệm Alex Ferguson. Trong khi đó, Van Gaal nhanh chóng thể hiện được phong thái tự tin hiếm thấy, cho dù phải tiếp quản ghế nóng ở sân Old Trafford trong tình cảnh Man Utd bị coi như một đống đổ nát sau thời hoàng kim.
Kết quả thi đấu
David Moyes đã đẩy Man Utd từ vị thế một đội bóng giành chức vô địch Ngoại hạng Anh với cách biệt tới 11 điểm mùa trước đó tới chỗ rất xa lạ với truyền thống của CLB này: vị trí thứ bảy. Một mùa giải thực sự thảm họa, cho dù Moyes đã đưa được Man Utd tới tứ kết Champions League. Mùa đó, 2013-2014, Man Utd thua tới bảy trong tổng số 19 trận Ngoại hạng Anh trên sân Old Trafford.
Dưới thời Louis van Gaal, Man Utd giành được số điểm nhiều hơn so với cả mùa giải trước, trong khi mùa giải còn tới năm vòng để họ cải thiện thành tích. Hiện tại Man Utd cũng trải qua một số thời điểm gây thất vọng, như khi thua cả hai trận trước Swansea City, nhưng tổng thể họ càng chơi càng hay và thi đấu tốt trong những trận cầu lớn của mùa giải. Khi Moyes cầm quân, Man Utd thua 0-3 ngay trên sân nhà trước các đối thủ lớn truyền thống Liverpool và Man City. Ngược lại, mùa này Man Utd thắng 3-0 và 4-2 khi đón tiếp các địch thủ này ở Old Trafford.
Chấm điểm (thang 10): Moyes 4; Van Gaal 7.
Những màn trình diễn
Cả hai HLV kế nhiệm đều không cho Man Utd chơi theo cách giống Ferguson - người luôn áp dụng đấu pháp tấn công cởi mở dựa chủ yếu vào khả năng hoạt động của các cầu thủ chạy cánh.
Moyes là mẫu HLV cẩn trọng hơn nhiều, ưu tiên phòng ngự và nhiều lần khiến các CĐV phải la ó: “Cố lên David Moyes, hãy chơi bóng như những chàng trai của Fergie”.
Van Gaal cũng đã bị chỉ trích khi xây dựng lối chơi quá chậm. Ông muốn đội ưu tiên việc sở hữu nhiều bóng, coi đây là phương cách để dần đạt mục tiêu ghi bàn kết liễu đối thủ sau rất nhiều đường ban chuyền. Nhưng những lời chỉ trích nhắm vào quan điểm chiến thuật của HLV người Hà Lan dần giảm xuống theo thời gian, khi các màn trình diễn của Man Utd ngày một được cải thiện và kéo theo hàng loạt kết quả tốt.
Dưới thời Moyes, Man Utd có vẻ chơi hay ở một số trận sân khách, trong đó có trận xuyên thủng lưới Newcastle tới bốn lần ngay ở sân St James' Park. Nhưng điều đó không đủ bù đắp cho những màn trình diễn thất vọng của họ ở các trận đấu lớn mùa trước. Man Utd của Van Gaal khác hẳn. Họ có phần may mắn trong các thắng lợi tại sân của Arsenal và Southampton hồi đầu mùa này, nhưng những gì Man Utd thể hiện trong chiến thắng 4-2 ở trận derby Manchester cách đây hai tuần thực sự gây được ấn tượng mạnh. Trước trận đó, họ đã có hai chiến thắng liên tiếp trước các đối thủ cạnh tranh một suất trong top bốn: Tottenham và Liverpool.
Chấm điểm: Moyes 5; Van Gaal 6.
Các quyết định
David Moyes loay hoay cả mùa vẫn không cho thấy được rõ ông là người thích dùng Robin van Persie hay Wayne Rooney. Hậu quả là bộ đôi này không thể gắn kết với nhau theo bất cứ khía cạnh nào.
Sau khi ký hợp đồng 40 triệu đôla với Marouane Fellaini, Moyes bố trí cầu thủ người Bỉ chơi ở vị trí quá thấp ở giữa sân. HLV người Scotland cũng không khai thác được tốt nhất đóng góp của những cầu thủ giàu kinh nghiệm như Nemanja Vidic, Rio Ferdinand, Patrice Evra và Ryan Giggs.
Van Gaal tới với Man Utd và hiểu rõ những gì ông muốn làm để vực dậy đội bóng, nhưng một cuộc khủng hoảng chấn thương nơi hàng phòng ngự hồi đầu mùa đã khiến HLV trải qua một thời gian loay hoay giữa đội hình đấu pháp này với đội hình khác. Ông cũng gây tranh cãi khi rút Rooney xuống hàng tiền vệ và khiến anh không phát huy được khả năng. Nhưng cùng lúc đó, Van Gaal lại đẩy Fellaini lên rất cao, chơi như một tiền đạo. Chính quyết định này là một yếu tố quan trọng giúp Man Utd xoay chuyển cục diện ở mùa giải này.
Cả Moyes và Van Gaal đều mắc những sai lầm khi dẫn dắt Man Utd, nhưng HLV người Hà Lan xem ra đã chứng tỏ được ông có đủ tài năng và cả uy tín để sửa chữa mọi sai sót rất kịp thời. Ông dám dứt khoát gạt một số tên tuổi lớn khỏi đội hình xuất phát, như Angel di Maria, Falcao và Robin van Persie. Moyes không có đủ tự tin và cả uy lực để thực hiện các điều chỉnh kiểu đó. Quyết định chọn Rooney làm đội trưởng, chứ không phải đồng hương Robin van Persie, cũng được coi là một thành công của Van Gaal.
Chấm điểm: Moyes 5; Van Gaal 6.
Các bản hợp đồng
Khó có thể chắc chắn và chính xác khi so sánh phần việc này của Moyes và Van Gaal, bởi không ai biết đích xác ai chịu trách nhiệm trong tất cả các vụ chuyển nhượng ở Man Utd kể từ sau khi Ferguson nghỉ hưu.
Mọi người chỉ đoán Moyes là người trực tiếp đưa Fellaini về sân Old Trafford vì từng làm việc cùng nhau ở Everton trước đó. Còn Phó chủ tịch điều hành Ed Woodward được coi là người quyết định vụ chiêu mộ Mata từ Chelsea. Tiền vệ Ander Herrera ký hợp đồng với Man Utd khi Van Gaal đã được bổ nhiệm làm HLV tại đây, nhưng lại được coi là cầu thủ do chính Moyes đàm phán chuyển nhượng từ trước đó.
Tương tự, Van Gaal được dự đoán là có công mang tuyển thủ Hà Lan Daley Blind về sân Old Trafford. Đây là cầu thủ đa năng, chơi tốt ở cả vị trí tiền vệ phòng ngự lẫn hậu vệ cánh, và có nhiều đóng góp cho Man Utd ngay ở mùa giải đầu tiên góp mặt. Marcos Rojo cũng được cho là một thương vụ của Van Gaal. Nhưng chính ông thừa nhận có rất ít vai trò trong các vụ tuyển mộ Herrera, Luke Shaw. Bản hợp đồng mượn tiền đạo Falcao thì có lẽ là vụ riêng của ban lãnh đạo CLB này. Van Gaal có tiếng nói quan trọng trong thương vụ đắt giá nhất lịch sử bóng đá Anh, khi mua Di Maria từ Real Madrid với giá 99 triệu đôla. Nhưng ngôi sao chạy cánh người Argentina đã không chứng tỏ được giá trị “hàng hiệu đẳng cấp thế giới”, cho dù đã có mười pha kiến tạo ở Ngoại hạng Anh mùa này.
Chấm điểm: Moyes 6; Van Gaal 5.
Mối quan hệ với các cầu thủ
Do từng làm việc với Wayne Rooney thời tiền đạo này còn là cầu thủ trẻ ở Everton, Moyes nhận được sự ủng hộ của ngôi sao này, bất chấp việc ông từng cản trở anh tới với Chelsea. Nhưng các cầu thủ trụ cột khác của Man Utd đều không có mối quan hệ tốt với HLV người Scotland. Robin van Persie cảm thấy anh bị ép tập luyện quá sức, cho dù chưa khi nào công khai chỉ trích Moyes. Tuy nhiên các ngôi sao khác, như trung vệ Rio Ferdinand, từng không ngại lên tiếng phàn nàn về khả năng cầm quân của Moyes. Ryan Giggs hồi đó thậm chí còn nói thẳng anh muốn đội chơi tấn công mạnh mẽ hơn, với các pha bóng tốc độ ở hai cánh. Nemanja Vidic, đội trưởng của Man Utd ngày đó, thì quyết định chia tay CLB này ngay khi Moyes còn tại vị.
Không ai có thể biết rõ mọi thứ diễn ra trong những khu nội bộ của Man Utd, nhưng có vẻ Van Gaal nhận được sự tôn trọng của cả đội bóng. Rooney và Michael Carrick từng công khai ngợi khen việc Van Gaal rất chú ý đi vào chi tiết các vấn đề khi tập luyện. Ngay cả khi Man Utd có thời điểm thi đấu không tốt mùa này, dư luận cũng hầu như không thấy bất cứ động thái nào tỏ vẻ bất mãn từ phòng thay đồ của CLB này so với trước đó một năm.
Chấm điểm: Moyes 5; Van Gaal 7.
Quan hệ với công chúng
HLV kế nhiệm Ferguson được dư luận kỳ vọng phải là một người có cá tính mạnh và uy tín, nhưng HLV 51 tuổi người Scotland không được đánh giá cao ở cả hai điểm này. Chính Moyes từng thừa nhận rằng ông không dám để Van Persie ngồi dự bị vì sợ phản ứng của người hâm mộ. Ông cũng liên tục hứng chịu chỉ trích từ các huyền thoại của CLB như Paul Scholes và Gary Neville trong các chương trình bình luận trên truyền hình.
Với tài năng cầm quân đã được thừa nhận từ lâu, Van Gaal có đủ uy tín để thể hiện cá tính mạnh ở Man Utd. Ông từng có kinh nghiệm trị các ngôi sao cỡ Kluivert, Xavi và Iniesta, từng quen đối mặt với sức ép từ các cổ động viên tại Bayern và Barca nên xem ra chẳng có thứ gì tại Man Utd hiện giờ có thể khiến chiến lược gia này sợ hãi. “Bông Tulip thép” có đủ tự tin để áp đặt triết lý bóng đá riêng của ông tại một CLB giàu bản sắc như Man Utd, cho dù ban đầu có được đón nhận hay không. Sai lầm lớn nhất của ông khi dẫn dắt Man Utd là từng có thời gian quá đà trong vụ tranh cãi với HLV Sam Allardyce về chiến thuật bóng dài.
Chấm điểm: Moyes 5; Van Gaal 7.
Nỗ lực thoát khỏi cái bóng của Ferguson
Chính Fergie đã đề xuất ban lãnh đạo Man Utd bổ nhiệm Moyes. Có lẽ vì thế mà cựu chiến lược gia này trực tiếp có mặt trên sân ở gần như mọi trận của Man Utd mùa trước, cho dù từng nói sau khi nghỉ hưu ông sẽ đi du lịch khắp nơi trên thế giới. Khi Moyes phải ra đi, Fergie cũng sớm được thông báo điều đó nhưng đã không cố gắng thuyết phục ban lãnh đạo Man Utd giữ lại người do chính ông từng đặt niềm tin.
Trong khi đó, Ferguson biết rõ ông không thể gây chút ảnh hưởng nào tới Van Gaal và xem ra cũng không cố để làm điều đó. Mùa này ông ít đến sân xem Man Utd thi đấu hơn, và những khi ông tới sân thì chỉ còn được dư luận coi là vị khách quý với tư cách một cựu HLV huyền thoại của CLB chứ không còn vai trò gì ở hậu trường.
Chấm điểm: Moyes 4; Van Gaal 6.



Thông tin thêm có trên ket qua bong da truc tiep, bong da 24h
ke
Nguồn: Nguyễn Phát  - Bong da Anh

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Subscribe to RSS Feed Follow me on Twitter!