Thứ Sáu, 27 tháng 3, 2015

Tuy một lần phải đối đầu trước một đối thủ tương đối kỵ rơ như Pháp, nhưng sáng nay những điệu nhảy của các vũ công Samba lại trở nên thanh thoát lạ thường.



Ngoài đối thủ cùng khu vực Nam Mỹ có nền bóng đá mạnh như Argentina có đến hai thiên tài bóng đá là Maradona và Messi, một "gã hàng xóm ồn ào" của Brazil, thì đội tuyển bóng đá xứ Samba còn có một địch thủ truyền kiếp, khó vượt qua nữa đó là Pháp của cựu danh thủ nổi tiếng Zidane. Đối thủ đã cho các hậu bối của vua bóng đá Pele nếm mùi thất bại ở cả ba lần gặp nhau tại giải World Cup 1986, 1998, và 2006.
Trong đó ngoài trận Tứ kết kinh điển giữa Brazil và Pháp năm 86 đầy hấp dẫn, nhiều kịch tính làm nức lòng khán giả mộ điệu quả bóng tròn và được xem là trận cầu hay nhất lịch sử các vòng chung kết nhờ sự có mặt nhiều ngôi sao bóng đá của hai trường phái hào hoa, lãng mạn, đậm chất nghệ thuật.
Những Platini, Tigana, Giresse, Fernandez so tài cùng Socrates, Zico, Falcao, Junior khiến khán giả ngất ngây, thỏa mãn với niềm vui thưởng thức bóng đá đẹp mắt, chân chính mang tính cống hiến. Trận đó Pháp thắng trên chấm phạt đền luân lưu một cách xứng đáng, nhưng Brazil thua càng làm khán giả thêm nuối tiếc bởi họ xuất sắc không kém, chỉ...thiếu may mắn mà thôi.
Nỗi đau bại trận chồng chất của Brazil trước Pháp một lần nữa lại tái hiện trong trận Chung kết ngay trên sân Stade De France tại World Cup 98 mà Pháp đăng cai. Kẻ nhấn chìm "Các vũ công Samba" với tỉ số đậm 3-0 có công lớn của "gã hói" Zidane với hai pha đánh đầu từ hai cú phạt góc ở hai góc khác nhau.
Còn bàn thắng của Petit chỉ có ý nghĩa về mặt tỉ số khi Brazil đã yếu kém từ đầu trận với sự sa sút đến "khó hiểu" của "Người ngoài hành tinh" Ronaldo sau cơn động kinh. Năm 2006, Brazil lại thua Pháp 1-2 chủ yếu phần lớn cũng do...Ronaldo với thân hình phì nộn, lười biếng, nặng nề, kém cỏi trong ghi bàn.
Paris, kinh đô hoa lệ thu hút mọi khách du lịch bao đời nay, nhưng nó là nỗi buồn ô nhục của đội bóng 5 lần Vô địch Thế giới, đất nước có đầy rẫy những ngôi sao bóng đá lừng danh điều khiển quả bóng tròn điêu luyện trên đôi chân ma thuật, mê hoặc lòng người. Biết bao người dân Brazil yêu bóng đá đến cuồng tín đã rơi lệ trước màn ảnh nhỏ và ngay tại Paris phồn hoa đô hội vào cái ngày mà đội trưởng Dunga cùng các đồng đội gục ngã thảm sầu.
Nhưng đó đã là quá khứ. Thường những gì không tốt đẹp, tai nạn hay điều xui rủi thì ai cũng muốn "chôn nó vào đáy mồ của dĩ vãng". Nhưng đối với Dunga, người đội trưởng có lối đá không hoa mỹ nhưng hiệu quả nhất của Selecao với biệt danh "Kẻ tàn phá" xuất sắc ở vai tiền vệ thủ của chức Vô địch Thế giới năm 94 trên đất Mỹ cùng với các ngôi sao đồng đội Romario, Bebeto sẽ khó nguôi ngoai nỗi buồn thua trận thảm bại, tủi nhục mỗi khi họ đối đầu với Pháp.
Hai lần nắm quyền huấn luyện đội bóng Vàng Xanh, xứ sở cuồng nhiệt của trái bóng tròn cùng điệu Samba nóng bỏng, trận thắng 3-1 trước Pháp tuy chỉ là trận giao hữu, nhưng Dunga và các học trò đã chứng tỏ cho thế giới thấy họ đá thực dụng, hiệu quả của Châu Âu, nhưng vẫn còn đó nét hào hoa, lãng mạn của điệu Samba lừng danh ngày nào trên đôi chân của Neymar, Oscar và Gustavo. Ba ngôi sao ghi bàn trong trận thắng Pháp vừa qua để kịp chứng minh cho mọi người thấy lần trở lại Selecao của Dunga thật hiệu quả và chắc chắn pha nét hào hoa tiềm ẩn của lối đá Nam Mỹ thuở nào.
Tiền vệ thủ - Vị trí rất cần thiết và quan trọng trong sơ đồ chiến thuật của bóng đá ngày nay. Dunga thành danh từ vị trí này kèm theo biệt danh mà khán giả ưu ái dành tặng cho ông. Và ba bàn thắng của Brazil trên đất Pháp đều chia đều cho ba ngôi sao ở hàng tiền vệ là Neymar, Oscar và Gustavo. Trong đó Gustavo có triển vọng kế thừa xứng đáng Dunga trong vị trí tiền vệ phòng ngự, một lá chắn thép trước hàng hậu vệ và là nơi cung cấp, phân phối bóng cho hàng tiền đạo, hoặc kết hợp với các đồng đội trên hàng tiền vệ.
Cái cầu nối giữa công và thủ, nên tiền vệ đánh chặn rất quan trọng, rất cần thiết cho đội bóng. Thu hồi bóng, phá bóng và triển khai tấn công...Đó là nhiệm vụ chủ yếu của Tiền vệ thủ- Kẻ tàn phá. CLB Arsenal của Anh do thiếu vị trí tiền vệ thủ xuất sắc dạng Parick Vieira nên thành tích trồi sụt, khi hay khi dở. Việt Nam cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự khi thiếu vị trí xuất sắc như Hoàng Bửu, Quốc Vượng thuở nào.
Tuy chiến thắng của Brazil trước Pháp dưới sự chỉ huy chiến thuật hiệu quả, chắc chắn của Dunga có chỉ có ý nghĩa lớn về mặt tinh thần vì là trận đấu giao hữu, nhưng qua 7 trận toàn thắng của Dunga cho thấy ông xứng danh "Kẻ tàn phá", ít nhất vào cái đêm 27/3/2015 trên đất Paris, người Brazil đã vui sướng nhảy điệu Samba rộn ràng với nụ cười cháy bỏng trên môi, thay cho những giọt nước mắt tủi nhục, đắng cay cách đây 17 năm ngay tại nơi này trước Dechamps và Zidane vẫn còn hiện diện đến tận bây giờ trên sân Stade De France.
Ngày về Paris, Dunga đã thật sự thuyết phục khán giả hâm mộ và hứa hẹn sẽ dìu dắt Selecao tiếp tục nhảy Samba vừa đẹp mắt, vừa hiệu quả như tính cách và tài năng của ông vậy. Dunga đã "rửa mặt" cho bóng đá Brazil trước "khắc tinh" Pháp một cách tuyệt vời y như ông vừa tắc một đường bóng của đối thủ một cách hợp lệ, dứt khoát và mạnh mẽ, nó vừa gọn gàng chắc chắn, và nhanh chóng chuyền sắc lẹm cho tiền đạo nhà ghi bàn thắng đẹp mắt như ông đã từng làm trong quá khứ.
Categories:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Subscribe to RSS Feed Follow me on Twitter!